Điều kiện tự nhiên xã Bản Thi

 1. Vị trí địa lý:

Xã Bản Thi nằm ở phía Tây Bắc huyện Chợ Đồn,  có diện tích tự nhiên 6,499ha, có vị trí:

– Phía Bắc giáp xã Xuân Lạc và huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang).

– Phía Đông giáp xã Đồng Lạc, Quảng Bạch, Ngọc Phái.

– Phía Tây giáp xã Yên Thịnh và huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

– Phía Nam giáp xã Yên Thượng.

Bản Thi là xã vùng sâu, vùng xã, đường sá đi lại khó khăn, địa hình đồi núi phức tạp, dân cư thưa thớt gồm 8 thôn bản (Bản Nhài, Khuổi Kẹn, Thâm Tầu, Phiêng Lằm, Hợp Tiến, Bản Nhượng, Kéo Nàng, Phja Khao) với 8 dân tộc cùng sinh sống. Trên địa bàn xã có một công ty khai thác, chế biến khoáng sản do vậy rất thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán, cũng như tạo công ăn việc làm cho bà con trong xã.

  1. Khí hậu:

Xã Bản Thi có những nét đặc trưng của khí hậu miền núi Bắc bộ. Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa đông khô lạnh, mùa hạ nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình năm là 21,20C. Hướng gió chính là gió Đông Nam. Nhiệt độ trung bình cao nhất vào tháng 6,7 (28-290C). Các tháng lạnh nhất trong mùa đông là tháng 1 và tháng 2, nhiệt độ trung bình là 16,10C. Nhiệt độ thấp nhất có thời điểm xuống -20C. Tổng nhiệt độ cả năm đạt 7000-80000C.

Lượng mưa trung bình năm là 1.700m. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa chiếm 75-80% lượng mưa cả năm, tập trung vào các tháng 7 và 8. Số ngày mưa trong năm vào khoảng 150-179 ngày/năm. Độ ẩm bình quân dao động ở mức 82-85%, thấp nhất đạt 50% vào các tháng mùa mưa. Độ bốc hơi trung bình hàng năm là 750-800mm.

Thời gian chiếu nắng trong năm trên địa bàn xã là 1.450h/năm, tháng ít nhất là tháng 1 (50h/tháng), tháng nhiều nhất là tháng 8 (200h/tháng). Hướng gió chính của xã là gió mùa Đông Bắc kèm theo không khí khô lạnh vào mùa Đông. Mùa hạ có gió Tây Nam. Ngoài ra, do địa hình chia cắt và bị che chắn bởi các dãy núi nên trên địa bàn xã còn có các hướng gió tiểu vùng dọc theo các khe suối.

Điều kiện khí hậu của Bản Thi tương đối thuận lợi cho địa phương trong việc đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp nhưng cũng hay xảy ra những trận gió lốc vào mùa hạ và hiện tượng sương mù vào mùa đông làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

  1. Thủy văn:

Hệ thống suối của xã Bản Thi khá dày đặc, dòng chảy thay đổi theo mùa, lưu vực suối Bản Thi là vùng thượng nguồn của sông Gâm. Địa hình dốc và chia cắt mạnh hình thành suối, khe sâu, đồng thời mùa mưa do tốc độ dòng chảy lớn dễ gây sạt lở đất và lũ quét vùng dọc ven suối Khuổi Kẹn và suối Bản Thi. Mùa khô do mặt phủ rừng suy giảm, nhiều dòng suối trở thành khe cạn, thiếu nước cho canh tác dẫn đến ảnh hưởng bất lợi cho đời sống nhân dân và năng suất cây trồng.

Hướng chính của dòng chảy các suối chính là theo hướng Đông – Tây, mùa lũ thường xảy ra hiện tượng sạt lở ven bờ. Lượng nước suối khá dồi dào, tuy nhiên trên địa bàn xã đang triển khai việc khai thác quặng, môi trường và chất lượng nước trong các suối có dấu hiệu ô nhiễm.

Dòng chảy chính của Bản Thi bao gồm các phụ lưu: phía Bắc có các suối nhánh: suối Khuổi Hoa, suối Khuổi Kẹn, phía Nam có các phụ lưu suối Khuổi Va, suối Bản Tao và suối Ao Bèo. Địa chất thủy văn: mực nước ngầm mạch nông xuất hiện ở độ sâu trung bình từ 18-20m, tùy theo mùa. Lượng nước ở các khe, mỏ nước khá dồi dào, là nguồn nước để cấp nước sinh hoạt, chủ yếu dùng cho sản xuất nông nghiệp.

  1. Tài nguyên khoáng sản:

Bản Thi là một trong những xã giàu tài nguyên của huyện Chợ Đồn. Trong đó mỏ Chợ Điền thuộc xã Bản Thi có trữ lượng khoảng 10 triệu tấn quặng kẽm và chì. Nguồn tài nguyên này đã được Pháp khai thác từ trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, hiện nay có Công ty TNHH MTV KLM Bắc Kạn vẫn tiếp tục hoạt động khai thác.

  1. Tài nguyên rừng:

Tổng diện tích đất của xã là 6.499ha, rừng và đồi núi chiếm khoảng 90% tổng quỹ đất tự nhiên của xã. Toàn bộ phía Bắc của xã là vùng rừng bảo tồn nam Xuân Lạc, độ che phủ của xã đạt 70%, trong đó rừng sản xuất là 1.500,6ha, rừng phòng hộ là 3.413,77ha.

Như vậy, điều kiện tự nhiên của Bản Thi có nhiều thuận lợi để phát triển lâm nghiệp, kinh tế vườn rừng, tuy nhiên, quỹ đất xây dựng khá hạn hẹp, không thuận lợi để phát triển các điểm dân cư tập trung. Do đó việc đầu tư hạ tầng nhằm cải thiện đời sống nhân dân còn nhiều bất lợi, chi phí lớn hơn các xã ở vùng đồng bằng.