Lịch sử hình thành đất và người
Mảnh đất Chợ Đồn nói chung, Bản Thi nói riêng từ lâu đã có người thượng cổ sinh sống. Những chiếc rìu đá và những chiếc búa, gáo múc bằng đồng mà các nhà khảo cổ tìm thấy ở Xuân Lạc, Tân Lập, Bản Thi… đã chứng minh những điều đó. Dấu vết các công trình thủy lợi như mương, phai, ao, đập còn để lại ở nhiều nơi càng khẳng định nơi đây xưa kia đã từng có con người sinh sống và khá thành thạo nghề trồng lúa nước.
Ngày 14-11-1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Bắc Kạn. Năm 1911, thực dân Pháp thành lập châu Chợ Đồn gồm 2 tổng là Nhu Viễn và Đông Viên. Xã Bản Thi lúc này thuộc xã Yên Thịnh, thuộc tổng Đông Viên. Năm 1958, xã Yên Thịnh tách ra thành 3 xã: Yên Thịnh, Bản Thi, Yên Thượng. Xã Bản Thi sau khi chia tách gồm có 8 bản: Bản Thi (sau đổi thành thôn Hợp Tiến), Bản Nhượng, Bản Nhài, Phiêng Lằm, Thâm Tàu, Phja Khao, Kéo Nàng, Khuổi Kẹn, Năm 1997, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, đồng bào sống du canh du cư về sống định cư tại Khuổi Kẹn và thành lập thôn từ đó.
Thôn Hợp Tiến: nằm ở vị trí trung tâm của xã Bản Thi. Thôn có diện tích đất tự nhiên là 764,73ha. Năm 2015, thôn có 168hộ, 586 nhân khẩu, là nơi sinh sống của 05 dân tộc.
Thôn Bản Nhượng: nằm ở vị trí đầu ngõ của xã Bản Thi, có diện tích đất tự nhiên là 728.99ha trong đó đất ruộng là 13,08ha, đất trồng ngô là 14,29ha, đất lâm nghiệp là 661,02ha, đất trồng cây lâu năm là 1,7ha, đất ao là 1,28ha. Thôn có 5 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa. Năm 2015, thôn có 77 hộ, 264 nhân khẩu. Thôn có tuyến đường liên xã chạy qua nên có 95% số hộ đã được sử dụng điện và nước sạch. Thôn phân chia làm 2 khu vực rõ rệt: 1 khu chuyên tăng gia sản xuất và 1 khu công nhân viên chức nghỉ hưu làm thêm chăn nuôi và trồng rừng.
Thôn Khuổi Kẹn: phía Nam giáp thôn Kéo Nàng, phía Tây giáp thôn Bản Bung (xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang), phía Đông giáp thôn Phja Khao, phía Bắc giáp huyện Na Hang. Năm 2015, thôn có 18 hộ. Đây là nơi sinh sống của 3 dân tộc: Kinh, Dao, Mông.
Thôn Kéo Nàng: phía Nam giáp thôn Bản Nhượng, phía Tây giáp xã Yên Thịnh và xã Thanh Tương (huyện Na Hang), phía Đông giáp thôn Phja Khao, phía Bắc giáp thôn Khuổi Kẹn. Năm 2015, thôn có 221 người, có 4 dân tộc cùng sinh sống là: Dao, Tày, Nùng, Mông. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, thôn đã đùm bọc, che chở cho xưởng quân giới Ngô Gia Khảm và đóng góp sức người cho kháng chiến.
Thôn Thâm Tàu: phía Nam giáp thôn Phiêng Lằm, phía Tây giáp thôn Hợp Tiến, phía Bắc giáp thôn Phja Khao, phía Đông giáp thôn Pó Pia (xã Quảng Bạch). Năm 2015, thôn có 112 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống: Dao, Tày, Nùng, Kinh. Trong kháng chiến chống Pháp, thôn cũng là trụ sở của xưởng quân giới Ngô Gia Khảm.
Thôn Bản Nhài: phía Nam giáp xã Yên Thượng, phía Tây giáp thôn Bản Nhượng, phía Đông giáp thôn Phiêng Lằm, phía Bắc giáp thôn Hợp Tiến. Năm 2015, thôn có 34 hộ, với 118 nhân khẩu, có 4 dân tộc sinh sống: Tày, Kinh, Nùng, Dao.
Thôn Phiêng Lằm: phía Nam giáp thôn Bản Nhài và xã Yên Thượng, phía Tây giáp thôn Hợp Tiến, phía Đông giáp xã Quảng Bạch và xã Ngọc Phái, phía Bắc giáp thôn Thâm Tầu. Về dân số thôn có 33 hộ, 4 dân tộc cùng sinh sống là Dao, Tày, Nùng, Kinh.
Thôn Phja Khao: phía Nam giáp thôn Hợp Tiến, phía Tây giáp thôn Kéo Nàng, phía Bắc giáp xã Xuân Lạc và xã Quảng Bạch, phía Đông giáp thôn Thâm Tầu. Về dân số thôn có 138 khẩu, 3 dân tộc cùng sinh sống là Dao, Nùng, Kinh.